Chương 559: Đòi đất không thể nói suông
Tờ biểu viết xong dâng lên cho vua Quang Trung xem qua, đại ý là : “ … Ở đất Hưng Hóa và Tuyên Quang, biên giới trước kia, tiền nhiệm Vân Quý Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái đã vâng chỉ dựng bia từ sông Đổ chú trở về phía Tây đến nước Sa Lý thì các châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu bảy châu đều thuộc vào đất Hưng Hóa của bản quốc.
Đến năm Canh Thân (1740) tiền nhiệm nhà Lê, Hoàng Công Thư cha của nghịch thần Hoàng Công Toản dấy binh, giữ đất ấy đến 30 năm. Tiền nhiệm nhà Lê cẩu thả không thể lo liệu được, dân 7 châu ấy vì địa thế xa, bản quốc khó khống chế bèn phụ vào nội địa (Ý chỉ nhà Thanh). Từ đó trở đi ở duyên biên của nội địa, các quan buộc dân ở nơi biên giới đổi cách mặc áo quần đeo thẻ, chịu thuế.
Thần từ ngày vâng mệnh mở nước, còn lo về chỗ ở, bộn bề việc nội trị, chưa kịp biện lý đến sự tình ủy khúc ngoài biên. Nay trấn mục bản quốc báo cáo rằng, thổ dân bảy châu ấy trải qua thời gian đã lâu, chịu nội địa đánh thuế, nên khi bản quốc đòi thuế thì nhất quyết chống lại và ngăn trở. Nguyên do việc này cũng là do tiền nhiệm họ Lê không biết kính giữ đất được phong cho nên mới thế …
Thần không dám bỏ rơi phần đất ấy, coi là đất hoang giấu giếm tình hình không đưa ra ánh sáng. Vì vậy đánh liều làm tờ biểu nhờ công tước Phúc Khang An, Tổng đốc Lưỡng Quảng chuyển tâu.